Thứ năm , Tháng tư 3 2025
Tư Vấn Du Học Chuyên Nghiệp
Trang chủ / TIN TỨC / Tin tức du học / Làm sao để vượt qua sốc văn hóa?

Làm sao để vượt qua sốc văn hóa?

Khi sinh sống và làm việc ở môi trường nước ngoài, việc đối mặt với những cú “Sốc văn hóa” là điều không thể tránh khỏi. IDC Việt Nam xin chia sẻ một số thông tin và kinh nghiệm nhằm giúp bạn vượt qua những cú “sốc” có thể xảy ra trong gian đoạn đầu đặt chân lên xứ lạ.
Khi chuyển đến một nền văn hóa mới lạ – vốn khác biệt với nền văn hóa quen thuộc – thì hiện tượng sốc văn hóa là một biểu hiện thường thấy. Tùy vào mỗi người, tùy thuộc môi trường mà quá trình trên sẽ rất ngắn hoặc đôi khi kéo dài, tạo ra những khó khăn trong việc hòa nhập vào một nền văn hóa mới.

Nhìn chung, quá trình “sốc văn hóa” trải qua nhiều giai đoạn. Ban đầu, bạn sẽ hứng khởi khi nhìn thấy những điều khác lạ so với quê nhà. Đây là giai đoạn mà bạn tiếp nhận “ồ ạt” những giá trị của đất nước bạn đang sống. Tuy nhiên, ngay sau đó sẽ là khoảng thời gian bạn cảm thấy xa lạ và mệt mỏi với mọi thứ xung quanh. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trong đó, việc chưa bắt kịp với ngôn ngữ nước sở tại chính là rào cản khó khăn nhất. Dù đã học tập ngoại ngữ rất tốt khi còn ở nhà nhưng bạn cũng sẽ phải mất một ít thời gian để làm quen với phương ngữ đấy. Việc khó giao tiếp với những người xung quanh trong giai đoạn đầu sẽ khiến bạn rơi vào “khủng hoảng” và làm bạn không muốn tiếp xúc với ai. Tuy nhiên khi đã chấp nhận những khó khăn và bắt đầu điều chỉnh để phù hợp với môi trường, bạn đang dần dần hòa nhập với nền văn hóa bản địa đấy. Mỗi người có một tốc độ thích nghi khác nhau nên các giai đoạn trên cũng kéo dài hay thu hẹp tùy vào trường hợp khác nhau. Sốc văn hóa là điều không thể tránh, thế nhưng, những cú sốc này lại là yếu tố quan trọng và cần thiết để bạn kết nối các giá trị văn hóa của bản thân và điều chỉnh chúng cho phù hợp với những giá trị văn hóa mới. Sốc văn hóa được xem là bước đầu của sự hòa nhập. Làm thế nào để có thể thích nghi với nếp sống và môi trường sống mới một cách nhanh nhất?

cusocvanhoa

Các bước để vượt qua “Sốc văn hóa”:

Bước 1: Hãy luôn giữ một góc nhìn khách quan đối với sự khác biệt văn hóa:
Vào những ngày đầu khi mới tìm hiểu và tiếp xúc với môi trường văn hóa còn lạ lẫm, bạn đừng nên vội vàng đưa ra kết luận rằng những khác biệt văn hóa bản địa so với bản thân đều có chiều hướng tiêu cực và sai trái. Cách tốt nhất là giữ cho mình cách nhìn khách quan, xem xét thật kỹ vấn đề trước khi đưa ra nhận xét cho bất cứ điều gì. Đồng thời, dành thời gian để trang bị những kiến thức văn hóa về quốc gia đang sinh sống cũng là việc cần thiết. Mỗi quốc gia có một nền văn hóa khác nhau, có cách cư xử khác nhau. Hãy quan sát và học tập để hiểu biết thêm về xã hội, con người bốn phương một cách khách quan nhất.

Bước 2: Vượt qua rào cản ngôn ngữ:
Đối với hầu hết mọi người, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi ra nước ngoài sinh sống và học tập, làm việc. Như đã nói ở trên, nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến “sốc văn hoá” chính là do bất đồng ngôn ngữ .Vì thế, chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp với người bản ngữ sẽ góp phần giảm thiểu những hiểu lầm do diễn đạt không đúng cũng như giảm thiểu sự bực tức khi không thể diễn đạt đúng suy nghĩ của mình bằng tiếng nước ngoài. Phương thức nhanh nhất để cải thiện khả năng giao tiếp là việc chủ động trong giao tiếp. Bạn nên nắm lấy cơ hội giao tiếp với người bản xứ bất cứ khi nào có thể, khi đó bạn sẽ dần dần làm quen với những gì họ nói, cách thức biểu đạt từ ngữ. Giai đoạn đầu có thể sẽ khó khăn nhưng đừng từ bỏ, dần dần bạn sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong giao tiếp thường ngày đấy.

Bước 3: Làm quen với mọi thứ xung quanh:
Môi trường mà bạn đang sống chính là nơi tốt nhất để bạn bắt đầu việc hòa nhập và thích nghi. Trò chuyện với bạn cùng phòng của bạn nếu bạn là một du học sinh, chủ động bắt chuyện với bạn cùng lớp để thiết lập các mối quan hệ mới. Ngoài ra, sách vở và tin tức báo đài cũng là những nguồn thông tin mà bạn có thể dễ dàng tiếp cận… Nếu có thời gian, hãy tham gia vào các hoạt động cộng đồng và những lễ hội địa phương để nắm bắt văn hóa truyền thống của nơi bạn đang cư trú. Nhiều du học sinh đã chọn cách “thường trực” trong phòng của mình trừ những lúc đi học hoặc đi làm thêm và không tham gia bất cứ hoạt động ngoài trời nào cũng như tham quan bất cứ nơi đâu. Việc này sẽ gây cảm giác mệt mỏi và “bế tắc” cho cuộc sống phương xa của bạn, khơi gợi thường xuyên cảm giác nhớ nhà, nhớ gia đình và bạn bè đấy. Đồng thời, không giao tiếp với bên ngoài sẽ khiến bạn khó giải tỏa những khó khăn, tâm sự của bản thân và khiến bạn chỉ muốn được quay về quê hương. Sao bạn không thử làm một chuyến du lịch đến những địa điểm quanh nơi mình sống hoặc xa hơn (nếu có thể) để thay đổi không khí và các thói quen thường xuyên?

Bước 4: Thiết lập sự cân bằng trong cuộc sống với tinh thần thoải mái và lạc quan:
Hãy đặt ra những lịch trình cụ thể cho chính bạn, việc này sẽ giúp cho bạn tự chủ trong sinh hoạt hằng ngày. Đừng để sự thay đổi văn hóa kiểm soát cuộc sống và suy nghĩ của bạn mà bạn nên thay đổi để thích nghi với nó. Không nên quá khó khăn với bản thân khi phạm sai lầm trong một tình huống giao tiếp nào đó với người bản xứ, luôn lạc quan và rút kinh nghiệm từ những lần vấp ngã nhé. Với những du học sinh thì việc cân bằng giữa học tập và sinh hoạt cũng nên chú ý. “Vùi đầu” vào việc học tập mà quên đi việc giải trí cần thiết sẽ khiến cuộc sống của bạn thiếu mất những gia vị riêng mà bạn chỉ có thể tìm được tại đất nước bản xứ. Tuy nhiên, chỉ lo khám phá mà quên đi mục đích chính là học tập sẽ khiến bạn đánh mất những cơ hội tương lai của mình và làm lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của bạn đấy. Cân bằng cuộc sống sẽ giúp ích cho bạn nhiều hơn bạn tưởng đấy!
“Tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn tìm được sự cân bằng trong môi trường sống mới”
Tóm lại, “sốc văn hóa” sẽ xuất hiện trước bất kì ai, cho dù bạn đến từ môi trường văn hóa nào, cho dù bạn nhiều kinh nghiệm đến mấy, hay thậm chí dù bạn đã du lịch nhiều như thế nào. Tuy nhiên đây lại là giai đoạn cần thiết và quan trọng nhất trong suốt quá trình hòa nhập vào một môi trường văn hóa mới. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn phần nào hiểu thêm về hiện tượng không thể tránh khỏi này để bạn có thể giảm thiểu những cú “Sốc văn hóa” khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau.

Check Also

giaoluu van hoa

Học Bổng giao lưu văn hóa J1: Trải nghiệm một năm đáng nhớ tại Mỹ

Chương trình học bổng Giao Lưu Văn Hóa Mỹ dành cho học sinh từ lớp 9 …